ĐƯỢC NUÔNG CHIỀU - NHỮNG ĐỨA TRẺ VỨT ĐI
Bạn có thể nêu tên một đứa “con một” nào đó mà sau này thành công vượt trội?
Bạn có thể nêu tên một “vĩ nhân” nào đó mà tuổi thơ không trải qua những khó khăn, mất mát hay những điều không như ý?
Số lượng e sẽ là rất ít (cá nhân tôi chỉ liệt kê được hai trường hợp trong suốt lịch sử mấy ngàn năm của nhân loại). Vì sao như vậy?
SỰ CẦN THIẾT CỦA MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN
Khi được sinh ra, ngoại trừ những trường hợp quá bất hạnh, còn lại những đứa trẻ của chúng ta về cơ bản là như nhau. Cho dù mẹ chúng có thể luôn cho rằng con họ hơn-chúng-bạn 🙂
Khác biệt chủ yếu được hình thành chủ yếu trong quá trình lớn lên & trưởng thành của bé.
Có bạn sẽ nói: có bé thông minh hơn. Đúng rồi, nhưng cái thông minh ấy đến từ "khả năng suy luận đúng hướng và đúng cách” (là cái từng bước hình thành và điều chỉnh nhờ môi trường) hay từ kích cỡ của bộ não (là cái gần như đương nhiên và bất biến)? Có một chia sẻ đâu đấy rằng bộ não của Einstein chỉ nặng 1,4kg và giải phẫu sau khi ông mất cho thấy ông cũng chỉ dùng đến 1/3 bộ não ấy. Thế mà ông là một trong vài nhà bác học đáng kể nhất trong lịch sử.
Có bạn sẽ nói: có nhiều bé dễ thương hơn và nhờ vậy dễ được ủng hộ hơn. Đúng rồi, nhưng cái dễ thương ấy đến từ “hành vi, thái độ và phong cách” (là cái ta có thể làm chủ được) hay đến từ “sắc đẹp di truyền” (là cái ta phải chịu, trừ phi giải phẩu thẩm mĩ). Có một ai từng đó nói rằng Jack Ma là người đàn ông nhỏ bé, xấu xí và có vẻ ngoài hèn mọn nhất mà người ta đã biết đến trong lịch sử Trung Quốc. Thế mà ông ấy vẫn thành công đùng đùng đấy thôi nhỉ.
Thế nên, dường như ta cần phải quan tâm đến môi trường phát triển của trẻ. Cho trẻ không chỉ tình yêu thương, sự đầy đủ mà còn cả sự thiếu thốn và tính khắc nghiệt.
Giống như cây ăn trái. Trái cây ngon nhất không mọc trên những cây được tưới nhiều nước nhất, bón nhiều phân nhất, che chở nắng gió nhất.
Giống như ngựa chiến. Chiến mã xịn nhất không phải là những con được ăn vô kể, chăm sóc vô hạn hay nuông chiều vô địch.
Không chỉ cần sự quan tâm và tình yêu thương, ta còn cần cả những thử thách và thậm chí bầm dập “đòn roi”.
Thế mà, những đứa trẻ, con cái chúng ta bây giờ, sung sướng trong nhung lụa quá.
Chúng sẽ cạnh tranh thế nào khi ra ngoài cuộc sống thực sự khi không còn người che ô, khoác áo, hay đút cho ăn?
Chúng sẽ như thế nào khi yêu thương chúng, chăm lo chúng, hay công bằng với chúng không phải là mối quan tâm của những người "tạo ra cuộc chơi”.
Chúng sẽ suy sụp và gục ngã.
Nhất là những đứa con một!
Hãy nghĩ đến xã hội Trung Quốc sau 20 năm nữa. Xã hội của 700-800 triệu đứa con một ích kỷ, đứa nào cũng được nuông chiều, đứa nào cũng là trung tâm của gia đình bốn bên thì bạn sẽ hiểu tôi muốn nói đến điều gì. Trung Quốc sẽ không bao giờ bị đánh bại từ bên ngoài, họ từ sụp đổ từ bên trong. Mỹ không là cái thá gì cả. Vấn đề lớn nhất của họ là từ chính sách “con một” này: tất cả cho nó, nó là tất cả, nó là chân lý, nó là tương lai.
VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG PHỤ HUYNH “CÓ ĐIỀU KIỆN”
Ngạn ngữ có câu: ta có thể dắt ngựa đến bên bờ suối, nhưng không thể bắt chúng uống.
Sự khác biệt giữa người với người không đến từ "CÁI NGƯỜI TA CÓ” (nền tảng, thể chất, vốn, lực) mà là từ “CÁI NGƯỜI TA MUỐN” (khao khát, mong đợi, rướn, cố, chấp nhận đánh đổi).
Điểm lại lịch sử phát triển của các doanh nghiệp, các quốc gia và cả những cá nhân kiệt suất thì chả mấy trường hợp nào thành công mà không cần đến "cái người ta muốn”. “Cái người ta có” có thể cần thiết trong một vài trường hợp (điều kiện cần), nhưng không bao giờ là quyết định. Thậm chí, trong nhiều trường hợp còn có thể không quá quan trọng.
Hãy nghĩ về “rừng vàng, biển bạc, đất kim cương, con người thông minh, cần cù, chịu thương, chịu khó” của Việt Nam chúng ta và “không tiền, không người, không đất, không nước, không lịch sử, không dân tộc” của anh bạn hàng xóm Singapore để rồi mà chiêm nghiệm.
Với mỗi lần vươn lên và chiến thắng, người trội hơn lại tích luỹ thêm nền tảng, vốn liếng và quyết tâm cho những cuộc chơi lớn hơn. Còn kẻ bại trận dần mất hút trong lịch sử dài dằng dặc của nhân loại.
Cần phải cho trẻ có khát khao chiến thắng, mong muốn tự khẳng định mình, bản lĩnh vượt khó bên cạnh việc cung cấp vừa đủ, hoặc thiếu một chút, điều kiện để trẻ từng bước tích lũy nền tảng, năng lực cá nhân và những thái độ sống phù hợp.
Nếu "gia đình” mình không có điều kiện thì không nói để làm gì. Nhưng nếu có đến mức độ nào đó, hãy dành tâm trí nhiều hơn để khéo léo cho trẻ những cơ hội để đua tranh, những khao khát để vươn lên, những mong muốn để khẳng định mình. Những yêu thương chăm chút là dễ, nhưng những sự cọ xát hay tranh chấp tự nhiên trong-sự-kiểm-soát là thực sự khó hơn rất nhiều.
Trẻ hãy có cơ hội để phải ngồi khóc nhìn người khác (hay anh chị em khác) được hưởng thụ miếng bánh mình thích, được thưởng cái áo mình yêu thích. Để rồi sẽ phải khao khát hơn, kiên trì hơn, cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong những cuộc chơi khác.
Dĩ nhiên, cha mẹ cần khéo léo và thông minh để không trẻ nào thua mãi, không trẻ nào thắng mãi, không tổn thương sự tự tin của trẻ, không tổn thương tình cảm bạn bè hay anh chị em trong gia đình của trẻ.
Thế mới là cha mẹ giỏi!
Tập cho trẻ không chỉ có ý chí, biết tranh đua, đồng thời biết ý thức trong giới hạn và mức độ cho phép. Vừa biết yêu thương đoàn kết, vừa biết cố gắng khẳng định chính là công thức của sự thành công trong các tổ chức và cả những chính đảng sau này.
Còn nếu chỉ là đua tranh mà không có giới hạn thì đương nhiên sẽ là không tốt rồi.
Nhớ lại những hoàng giả vương triều Tuỳ - Đường giết cha, hại anh, nhốt em để tranh ngôi mà toát cả mồ hôi.
Cần có cả bản lĩnh và yêu thương!
À, MÀ CÓ NHẤT THIẾT PHẢI THÀNH CÔNG???
Dĩ nhiên là cuộc sống không chỉ cần đến THÀNH CÔNG. Chúng ta còn cần đến cả những HẠNH PHÚC. Và nếu chỉ là hạnh phúc, thì mức độ đua tranh ta cần cũng sẽ thấp hơn rất nhiều.
Á, thế nhưng bạn có biết rằng một phần rất quan trọng của hạnh phúc đến từ việc ta biết quý trọng những tình cảm và sự hy sinh mà người ta cần cho mình?
Khi ta vô cảm, không ý thức được những điều tốt đẹp ấy nữa, làm sao để ta có thể có được hạnh phúc nhỉ? Làm sao để ta có thể tạo ra hạnh phúc cho những người quanh mình nhỉ? Kể cả những người đã hy sinh cả đời cho ta?
Vậy nên, các bậc cha mẹ ơi, hãy cho con chúng ta ít hơn và khéo hơn!
Nguồn: thầy Trần Bằng Việt