Giai đoạn này được gọi là “giai đoạn cổ đã cứng cáp”. Những phản xạ bẩm sinh đầu đời như nắm chặt, mút giảm dần, trong khi khả năng phản ứng với môi trường xung quanh lại ngày càng rõ rệt.
Giờ đây bé đã không còn quá yếu ớt và mong manh như lúc mới chào đời. Mỗi khi thức giấc là con vui vẻ mỉm cười, háo hức quan sát xung quanh và phấn khích dùng tay kéo mọi thức về phía mình.
Từ những đặc điểm này, mục tiêu nuôi dạy bé trong giai đoạn này cần tập trung vào việc: “Kích thích não trước và sự liên kết giữa các dây thần kinh thông qua hình ảnh, âm thanh và hoạt động cầm nắm”.
Dưới đây là 5 hoạt động cha mẹ có thể tham khảo để áp dụng vào cách dạy bé sơ sinh 2-3 tháng tuổi.
Hoạt động 1: Giúp bé phát huy tối đa khả năng bắt chước
Trẻ sơ sinh quan sát thế giới xung quanh không phải chỉ để hiểu mà còn học về nó nhờ các hoạt động bắt chước. Khi có một tác động, kích thích, bé sẽ phát ra âm thanh, nhìn theo hoặc dùng tay tóm lại. Vì vậy ở giai đoạn này mẹ nên:
- Phản ứng lại ngay khi nghe con cất tiếng. Chẳng hạn nếu con nói e,e thì mẹ hãy nhìn thẳng vào mắt con và nhắc lại thật to, rõ âm thanh đó cho bé nghe, đồng thời giải thích biểu hiện lúc đó của con (con đói hả?/con muốn thay bỉm sao?, v.v.)
- Đặt bé nằm sấp nhiều lần trong ngày. Động tác này vừa giúp bé cứng cổ lại nhìn mọi vật dưới góc độ mới mẻ, rõ ràng hơn. Nhờ đó con sẽ nhanh chóng bắt chước được những điều con nhìn thấy.
Hoạt động 2: Dạy con “cầm, nắm và buông tay”
Khi bé 2-3 tháng đã cứng cáp, con thường đảo mắt nhìn theo các vật chuyển động. Lúc này con bắt đầu hiểu được sự khác biệt giữa các vật cũng như màu sắc. Khả năng phản ứng với sự chuyển động của sự vật cũng đã nhạy bén hơn rất nhiều.
Chính vì thế, cần chú ý cách dạy bé sơ sinh 2-3 tháng tuổi “cầm, nắm” đồ vật như sau:
- Treo đồ chơi tại vị trí mà mắt con có thể bao quát được cả mắt trái và mắt phải (tuyệt đối tránh treo ở nơi bé phải đảo mắt quá nhiều hoặc chỉ nhìn được bằng đuôi mắt).
- Đặt một món đồ trước mặt bé từ 40-50 cm. Giữ một lúc cho con nhìn và nói với con đó là đồ vật gì. Sau đó từ từ di chuyển lại gần cho đến vị trí bé có thể dùng cả 2 tay với lấy thứ đồ đó.
- Hãy để bé tự lựa chọn tay thuận cho mình, đừng cố bắt bé cầm nắm mọi thứ bằng tay phải.
Hoạt động 3: Chơi ú òa giúp kích hoạt não trước của con
Bé 2-3 tháng tuổi có thể thức được lâu hơn trước (45-60 phút). Thời điểm này cần lưu ý dạy bé thường xuyên và nghiêm túc hơn. Một trong các hoạt động rất tốt cho não bộ bé là trò chơi ú òa. Thông qua chơi ú òa, con sẽ hình thành khả năng phán đoán về một sự việc sắp diễn ra. Đây cũng là bài học đầu tiên để dạy con tính kiên nhẫn và biết chờ đợi.
- Dùng vải xô mềm nhỏ, mắt lưới không quá dày, kích cỡ 25x25cm.
- Để gần trước mặt bé và vẩy khăn một vài lần sao cho viền khăn chạm nhẹ vào mũi bé.
- Nói “ú” và che mặt bé lại. Ngay khi nói “òa” thì bỏ khăn ra cho bé thấy mặt mẹ. Lặp đi lặp lại từ 2-3 lần. Sau đó chơi lại với thời gian để khăn trên mặt bé lâu hơn một chút.
- Mỗi ngày nên chơi với bé từ 1-2 lần là tốt nhất.
Với các bé 2-3 tháng tuổi, chỉ cần ú òa và không nhìn thấy mặt mẹ từ 2-3 giây đã có thể coi là một thành công lớn rồi.
Thường xuyên luyện tập cho bé trò chơi này, chẳng mấy chốc khi đến giai đoạn bắt đầu biết “xa cách” thì bé sẽ đón nhận dễ dàng hơn. Không khóc lóc quá mức nếu không thấy mẹ đâu cả.
Hoạt động 4: Nào chúng mình cùng soi gương
Bước vào những tháng này, bé đã bắt đầu ghi nhớ được khuôn mặt của mẹ. Một trong các hoạt động dành cho trẻ sơ sinh mà nhiều chuyên gia Nhật Bản khuyến khích là dạy bé soi gương. Đây là thứ đồ chơi thú vị để con có thể học hỏi 2 điều:
- Nhận ra khuôn mặt của chính mặt và làm quen với các bộ phận trên cơ thể.
- Hình thành khái niệm “cái tôi”, đặc trưng cơ bản chỉ con người mới có được.
Cách chơi cùng gương với bé, mẹ có thể làm như sau:
– Tập cho bé nhìn vào trong gương chỉ thấy khuôn mặt của bé trước. Nếu lúc đầu bé chưa để ý thì làm một vài lần. Khi bé bắt đầu quan tâm rồi thì có thể chơi nhiều lần trong ngày.
– Mẹ bế bé ngồi trên lòng. Chỉ cho bé biết đây là mũi, mắt, miệng, v.v. của con.
– Sau đó thay đổi giữa soi gương khuôn mặt mẹ và bé sao cho bé nhìn thấy đây là mẹ trong gương và kia là bé trong gương. Làm lặp đi lại lại nhiều lần rồi bỏ gương ra. Sau đó lấy tay bé chỉ vào mặt mẹ và nói “mắt của mẹ”; chỉ vào mặt bé rồi nói “mắt con của”.
Chơi với bé trò này thường xuyên, dần dần dù không có gương bé vẫn hiểu rằng “đây là của mẹ” và “đây là của con”. Nhờ đó giúp bé hình thành cái tôi cũng như sự tự tin về mình khi lớn lên sau này.
Hoạt động 5: Mở rộng tầm mắt ra thế giới bên ngoài của con
Từ 2-3 tháng tuổi, dù con đã nhìn được rõ ràng hơn nhưng tầm nhìn vẫn chỉ hạn chế từ 20-60cm. Do đó, cha mẹ cần giúp con kích hoạt khả năng nhìn để con được mở rộng tầm mắt với thế giới xung quanh càng nhiều càng tốt bằng một số cách như sau:
- Cho bé xem tranh vẽ mặt người (chỉ cần thấy rõ mắt, mũi và miệng là đủ) trong tầm nhìn từ 40-50cm. Ban đầu có thể để thẳng trước mặt, sau đó di chuyển chầm chậm trái, phải cho con nhìn theo.
- Sau mỗi lần ăn sữa xong, đến giờ cho bé nằm chơi thì cố gắng thay đổi nhiều vị trí khác nhau. Ví dụ buổi sáng cho con nằm chơi tại phòng ngủ. Tiếp đó chuyển qua vị trí gần cửa sổ. Buổi chiều lại ra phòng khách, v.v. Cố gắng thay đổi mỗi ngày từ 2-3 lần và nhất thiết phải thực hiện hàng ngày.
- Bế bé trước ngực hoặc bế vác bé đi dạo xung quanh nhà, những nơi có không khí trong lành để con được thay đổi tầm nhìn.